Âm nhạc là một phần của cuộc sống. Âm nhạc không chỉ để giải trí mà còn có tác dụng chữa bệnh. Càng ngày các nhà khoa học càng phát hiện ra những lợi ích tiềm tàng của âm nhạc đối với cơ thể...
Khả năng chữa bệnh
Là thuốc giảm đau hiệu quả
Âm nhạc có thể khiến chúng ta đương đầu với cơn đau một cách dễ dàng hơn. Nghe nhạc có thể làm giảm đến 21% cơn đau mạn tính gây ra bởi rất nhiều bệnh, bao gồm viêm khớp, các vấn đề về đĩa đệm và viêm khớp dạng thấp và làm giảm mức độ trầm cảm đến 25%.
Liệu pháp âm nhạc ngày càng được sử dụng phổ biến trong các bệnh viện để làm giảm nhu cầu dùng thuốc khi sinh nở, làm giảm cơn đau hậu phẫu và hỗ trợ thuốc tê trong quá trình phẫu thuật.
Một số giả thiết về khả năng giảm đau của âm nhạc bao gồm: Âm nhạc đóng vai trò làm sao lãng, có thể khiến bệnh nhân có cảm giác kiểm soát được cơn đau, khiến cơ thể sản sinh endorphins để chống lại cơn đau. Nhạc chậm giúp cơ thể thư giãn bằng cách làm chậm nhịp tim và nhịp thở.
Âm nhạc có thể giúp giảm trầm cảm ở trẻ.
Hạ huyết áp
Bằng cách nghe các bản nhạc thư giãn mỗi sáng và tối, những người bị tăng huyết áp có thể hạ huyết áp của mình và giữ nó ở mức an toàn. Theo một báo cáo nghiên cứu trong hội nghị Hiệp hội cao huyết áp Hoa Kỳ ở New Orleans, 30 phút nghe nhạc cổ điển, Celtic hoặc raga mỗi ngày có thể làm hạ huyết áp đáng kể.
Tốt cho tim mạch
Âm nhạc còn tốt cho tim mạch. Các nghiên cứu đã cho thấy lợi ích này đến từ nhịp điệu của nhạc chứ không phải thể loại nhạc. Các nhà khoa học Anh và Ý đã tiến hành thí nghiệm trên một số người trẻ tuổi, một nửa trong số họ là nhạc sĩ chuyên nghiệp. Các tình nguyện viên có nhịp tim và nhịp thở nhanh hơn khi họ nghe các bản nhạc sống động. Khi nhạc chậm lại, nhịp tim và nhịp thở của họ cũng chậm lại. Trong thời gian dừng nhạc, nhịp tim và nhịp thở trở lại bình thường hoặc cải thiện lên mức độ tối ưu hơn.
Đẩy nhanh tốc độ hồi phục sau đột quỵ
Theo một nghiên cứu mới đây, nghe loại nhạc pop, cổ điển hay jazz ưa thích mỗi ngày có thể giúp đẩy nhanh tốc độ hồi phục sau các cơn đột quỵ nguy hiểm. Theo nghiên cứu, các bệnh nhân đột quỵ ở Phần Lan được nghe nhạc khoảng 2 giờ mỗi ngày có khả năng cải thiện ngôn ngữ và sự tập trung đáng kể so với những bệnh nhân không được kích thích bằng âm nhạc hoặc chỉ được nghe đọc truyện.
Chữa đau đầu mạn tính và đau nửa đầu
Âm nhạc có thể giúp người mắc bệnh đau đầu mạn tính hoặc đau nửa đầu giảm cường độ của cơn đau đầu, cũng như khoảng thời gian và số lần gặp phải cơn đau đầu.
Tăng cường khả năng miễn dịch
Một trong những tác dụng tuyệt với của âm nhạc có thể giúp tăng cường hoạt động của hệ miễn dịch. Các nhà khoa học giải thích, sở dĩ xảy ra hiện tượng này là do một loại nhạc nhất định có thể tạo nên trải nghiệm cảm xúc mạnh mẽ và tích cực, dẫn tới sự tiết ra của các hormon tăng cường hệ miễn dịch. Điều này góp phần làm giảm các yếu tố gây bệnh. Nghe nhạc hoặc hát còn có thể làm giảm hàm lượng hormon gây căng thẳng cortisol trong cơ thể. Lượng cortisol cao có thể khiến phản ứng của hệ miễn dịch kém đi.
Tác động tới não bộ
Tăng cường trí thông minh và khả năng học tập
Các nghiên cứu khẳng định, học nhạc hoặc chơi nhạc có thể giúp bạn học tập tốt hơn. Âm nhạc có khả năng làm tăng cường một số chức năng cao cấp của não như: khả năng đọc viết, khả năng suy luận không gian - thời gian, khả năng làm toán (dù là một đứa trẻ mất tập trung hoặc mắc chứng tăng động giảm chú ý cũng làm tốt hơn trong các bài kiểm tra toán nếu được nghe nhạc trước khi làm bài) và trí thông minh cảm xúc...
Tăng cường trí nhớ
Nhạc của Mozart và nhạc ba-rốc, với nhịp điệu 60 nhịp/phút, kích hoạt não trái và não phải. Các hoạt động đồng thời của não trái và não phải tối đa hóa khả năng học tập và thu thập thông tin. Các thông tin được xử lý kích hoạt não trái, trong khi giai điệu nhạc kích hoạt não phải. Các hoạt động cần sự phối hợp của cả hai bán cầu não cùng một lúc như chơi nhạc cụ hay hát cũng khiến bộ não xử lý thông tin tốt hơn. Nghe nhạc giúp gợi nhớ thông tin dễ dàng hơn. Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng, một số loại nhạc là “chìa khóa” xuất sắc để gợi lại thông tin.
Cải thiện khả năng chú ý và tập trung
Những bản nhạc không lời dễ nghe và nhạc cổ điển thư giãn cải thiện cường độ và thời gian tập trung ở mọi lứa tuổi và trình độ. Dù chưa thể rút ra kết luận loại nhạc nào tốt hơn, hay cấu trúc nhạc nào là cần thiết để đạt được hiệu quả như vậy, song rất nhiều nghiên cứu đã cho thấy hai loại nhạc này có ảnh hưởng quan trọng tới khả năng tập trung và chú ý.
S/T: S-MUSIC