P/V: Những vất vả của đời sống, những năm tháng lao động và ca hát không ngừng, những chuyến đi lưu diễn cùng đoàn nghệ thuật Công An suốt dọc những miền xa của đất nước đã bồi đắp cho giọng ca của Tiến Lợi. Hôm nay, giọng ca ấy đã bắt đầu bay xa, lan rộng hơn trên sóng truyền hình và trở thành ứng cử viên sáng giá cho ngôi Sao Mai dòng thính phòng năm 2005.
Suốt 7 năm cặm cụi trong phòng luyện thanh của Nhạc viện Hà Nội, chàng trai Nam Định 26 tuổi mang trong mình khát vọng được hát những ca khúc cách mạng ở tất cả những nơi nào có khán giả. Đặc biệt, anh muốn tri ân những người chiến sỹ công an, những đồng đội anh vẫn ngày đêm trên những mặt trận lặng thầm, bằng những khúc ca được hát lên với tát cả sức trẻ, tất cả tấm lòng. Anh tâm sự:
Bước vào đêm chung kết dòng nhạc thính phòng, tôi đã mặc bộ sắc phục của ngành công an. Không hiểu sao, mỗi khi mặc bộ quân phục ấy tôi lại thấy tự tin hơn, hát sung hơn. Khi tôi vào ngành, đeo hàm Thiếu úy, bố mẹ tôi mừng rơi nước mắt. Tôi không chỉ là niềm tự hào của bố mẹ mà của cả làng. Hôm tôi thi chung kết, rất nhiều người ở quê dù tôi không thể nhớ hết tên đã gọi điện động viên, nhắc tôi phải bình tĩnh. Và tôi đã hát hết mình.

P/V: Anh chọn dòng “nhạc đỏ”, thứ nhạc sang và sạch nhưng đang bị thị hiếu của số đông khán giả trẻ bạc đãi. Có phải vì thế mà anh đã chọn giải pháp an toàn là kiếm một chân biên chế trong đoàn nghệ thuật công an, dù không thành ngôi sao, không thể chạy show kiếm tiền thì vẫn hưởng lương đều đặn?
Mỗi dòng nhạc có vị thế riêng của mình trong lòng công chúng. Tôi không bao giờ cho rằng “nhạc đỏ” đang suy tàn, sức sống của nó vẫn mạnh mẽ và bền lâu. Chỉ có điều, trên bề nổi, có vẻ nó đang bị chìm đi so với dòng nhạc trẻ. Tôi nói nó không thể chết được là bởi vì nó có những lứa khán giả rất trung thành. Tôi được học để trở thành một ca sỹ chuyên nghiệp chứ không phải trở thành một ngôi sao. Anh có biết là tôi đã phải thi 4 lần và vượt qua vài trăm đối thủ để trở thành 1 trong 2 người được chọn vào đoàn nghệ thuật Công an không? Đi diễn cùng đoàn nhiều, tôi mới ngộ ra một điều là, ca sỹ không phải là những cỗ máy, biết hát đúng nhịp và chạy show kiếm tiền. Có nhiều thứ quý giá trong cuộc sống tôi tìm được từ những chuyến đi ấy.
P/V: Tôi hiểu suy nghĩ của anh nhưng quả là ca sỹ trẻ bây giờ không phải ai cũng nghĩ được như vậy. Họ mải miết kiếm tiền, đầu cơ cho những vụ scandal để nổi tiếng và tăng cát xê. Còn anh, anh lựa chọn con đường riêng ấy, xin thành thật hỏi, cuộc sống của anh có vất vả lắm không?
Có, tôi chuyển nhà trọ không biết bao lần. Sáng nay chủ nhà lại nhắc, có khi tuần sau tôi lại chuyển đi nơi khác. Tôi hưởng lương Thiếu úy “vạch xanh”, khoảng tiền eo hẹp ấy phải chia đều cho tiền nhà, tiền học phí, tiền xăng xe và rất nhiều thứ hóa đơn khác. Tôi đã đi hát thêm cho một số chương trình, thành thật là vừa rèn nghề vừa kiếm sống. Không giàu, nhưng đỡ nghèo hơn…
PV: Anh được đánh giá cao bởi có một chất giọng tốt và kỹ thuật thanh nhạc điêu luyện. Tất cả những điều đó anh học được từ ai?
Từ thầy tôi, NSND Quý Dương. Tôi học được ở ông không chỉ về thanh nhạc mà còn cả một nhân cách lớn của người nghệ sỹ.
P/V: Làm thế nào để anh tránh được tình trạng “trả bài” bởi dòng nhạc của anh nhiều khi bị gò vào những cái bóng quá lớn của các tiền bối?

Ca sĩ Tiến Lợi trong đêm Chung kết Sao mai 2005
Mỗi thế hệ có một tiếng nói của mình và chúng tôi hát những ca khúc cách mạng bằng tâm thế của những người trẻ tuổi. Tôi nghĩ, có thể một ca khúc đã cũ, nhưng với mỗi ca sỹ thực sự, họ sẽ làm mới nó lên bằng cách riêng của mình. Cách của tôi là dành hết tâm hồn cho ca khúc. Gieo vào đó niềm đam mê, ta sẽ gặt được trái ngọt của sự thành công.
P/V: Ca sỹ rất tránh đi thi hát, sợ không leo lên đỉnh vinh quang sẽ bị ảnh hưởng đến sự nghiệp. Nhưng anh thì ngược lại, có thấy mình mạo hiểm không?
Tôi coi Sao Mai là mộc cuộc dạo chơi. Hãy thả mình vào một cuộc chơi nhất định, anh sẽ biết được sức mình đến đâu và mình là ai.
P/V:Anh đánh giá thế nào về hai đối thủ của anh trong đêm xếp hạng sắp tới?
Chúng tôi đều là sinh viên nhạc viện, bạn bè với nhau và tôi đánh giá cao cả Hoàng Thái và Tuấn Anh. Chúng tôi đều có thế mạnh riêng của mình. Nhưng may mắn sẽ mỉm cười với ai thể hiện được hết phong độ trong đêm chung kết. Nhưng dù sao đi nữa thì cả ba chúng tôi cũng đã chiến thắng rồi, ít nhất là vượt qua chính mình.
P/V: Anh có kế hoạch gì cho “hậu Sao Mai”?
Nhiều người nghĩ đến một chiến lược sau khi giải kết thúc, nhưng kế hoạch của tôi giản dị thôi. Điều tôi thực sự mong ước là làm được một CD gồm những bài hát về lực lượng Công an. Càng hát cho họ nghe, càng nghe họ kể chuyện, tôi càng thấy mình bé nhỏ trước sự hy sinh âm thầm nhưng sừng sững như những tượng đài. Đêm chung kết xếp hạng tôi sẽ vẫn mặc bộ quân phục này và hát một ca khúc ngợi ca người chiến sỹ công an.
P/V: Có khi nào anh cảm thấy băn khoăn khi nghĩ lại những quyết định của đời mình: học thanh nhạc, vào công an, thi Sao Mai…?
Không. Tôi nghĩ mình là một người chắc chắn.
P/V: Vậy anh có chắc chắn rằng mình sẽ… đăng quang đêm 17-12?
À, cái đó thì… Tôi chỉ dám chắc những gì thuộc quyền quyết định của mình mà thôi.
Theo Báo An ninh Thủ đô
HỒ BINH (Thực hiện)