Giọng ca Hà Nội mạo hiểm đem liveshow “Độc đạo” tới Pháp và sau đó là Nhật. Để trang trải cho show này, anh phải chi hết tiền tiết kiệm, kể cả tiền cưới vợ.
- Paris được xem là thủ phủ của world music nhưng nhìn chung kiều bào Việt vẫn thích nghe nhạc xưa. Anh nghĩ thế nào khi đem "Độc đạo” tới Paris?
- Tôi không mang tâm thế đem nhạc Việt tấn công thị trường châu Âu mà chỉ muốn giới thiệu bản thân và thử thách khả năng của mình. Mọi người đã biết đến “Độc đạo” trong chương trình ở Hà Nội và album ra mắt trong năm 2013. Anh Nguyên Lê - người cộng tác cùng tôi trong show này - cũng nổi tiếng ở cộng đồng Pháp ngữ, đó là cơ hội cho tôi. Món ăn world music, khán giả Pháp không thiếu bởi đây là cộng đồng đa sắc tộc, rất nhiều ngôi sao kỳ cựu đã biểu diễn ở đây. Tôi hiểu điều đó nên không đặt nặng vấn đề thành công, thất bại. Thành công ở nước ngoài rất khó, không thể một sớm một chiều.
|
Tùng Dương luyện tập cùng Nguyên Lê.
|
- Sao anh không tổ chức đêm nhạc ở Nhật trước để lấy kinh nghiệm cho đêm nhạc ở Pháp, vì văn hóa Á đông gần gũi có thể sẽ giúp anh dễ nhận được sự đồng cảm từ khán giả?
- Kế hoạch này được lên khi liveshow “Độc đạo” diễn ra ở Hà Nội. Đáng nhẽ phải làm trong năm 2013 nhưng không sắp xếp được thời gian nên tôi đành để lại tới 2014. Tháng 4, anh Nguyên Lê không sắp xếp được công việc ở Pháp. Để lên lịch với các ca sĩ quốc tế không đơn giản. Julia Sarr - người từng về Việt Nam hát cùng tôi trong show “Độc đạo” - cũng bận rộn, thường xuyên đi lưu diễn khắp nơi cùng các nghệ sĩ world music. Hơn nữa, trong liveshow ở Pháp, tôi còn hát cùng chị Hương Thanh. Lịch làm show phải căn cứ cả vào chị Hương Thanh nữa.
- Anh và Hương Thanh kết hợp thế nào khi có sự khác biệt về dòng nhạc, tuổi tác?
- Hương Thanh - em gái ca sĩ Hương Lan - là cộng sự lâu năm của Nguyên Lê. Chị Hương Thanh chủ yếu đi diễn cho người nước ngoài nên khán giả trong nước ít biết, không giống như chị Hương Lan chủ yếu biểu diễn cho cộng đồng Việt kiều và về nước nhận show. Hương Thanh thiên về dân ca ba miền trong khi Tùng Dương hát nhạc đương đại nhưng lối hát nghiêng về truyền thống. Chúng tôi mỗi người có con đường đi riêng nhưng trên con đường đó có nhiều điểm giống nhau.
Trong sự kết hợp lần này, Hương Thanh sẽ hát những khúc dân gian còn Tùng Dương biến tấu phiêu linh trên nền dân gian đó. Trước đây, nhiều nghệ sĩ, trong đó có Quốc Trung với “Đường xa vạn dặm” đã mang tinh thần world music nhưng chỉ “Độc đạo” mới đúng chất world music nhất.
- Các ca sĩ quốc tế mỗi lần ra sản phẩm đều đi lưu diễn thế giới để giới thiệu album. Anh chạy theo xu hướng này để chứng tỏ mình hay vì một điều gì khác?
- Bất cứ nghệ sĩ nào cũng muốn tiếng hát, lối đi của mình được đón nhận ở khắp nơi. Tôi nghĩ tại sao mình có cơ hội mà không cố gắng? Cứ thử sức đã còn đi xa hay không còn do bản thân mình và nhiều yếu tố khách quan. Quan trọng là mình chơi nhạc với những nghệ sĩ mình yêu mến và đo phản ứng của khán giả nước ngoài xem họ dành cho mình những gì.
Trước mắt, tôi làm liveshow ở Pháp và Nhật, sau đó sẽ cùng anh Nguyên Lê lưu diễn tại những festival nhạc trên thế giới. Đây cũng là chương trình đầu tiên mang tính chất thử nghiệm, nhiều rủi ro vì ngôn ngữ âm nhạc mỗi nơi có một gu riêng. Muốn thành công lâu dài trên đất nước khác, bạn phải bớt cái tôi cá nhân của mình, hòa mình vào dòng chảy chung của âm nhạc đại chúng. Tôi thì không thích sự hòa tan.
|
Tùng Dương và nữ ca sĩ Julia Sarr trong đêm nhạc "Độc đạo" cuối năm 2013 ở Hà Nội.
|
- Thế có nghĩa là dù thành công ở Pháp và Nhật trong thời gian tới, anh vẫn trở về Việt Nam?
- Ra đi là quay lại chứ không có chuyện ra đi mãi mãi. Trong âm nhạc Tùng Dương, từ “Chạy trốn” với Lê Minh Sơn, “Những gam màu khối lập phương” cùng Đỗ Bảo, “Li ti” với Nguyễn Công Phương Nam và “Độc đạo” cùng Nguyên Lê, tinh thần thuần Việt luôn đặt lên hàng đầu dù phiêu lưu qua rất nhiều miền âm nhạc. Tôi hát rất nhiều thể loại âm nhạc, kể cả tiếng Anh nhưng vẫn trên nền phối âm nhạc dân tộc. Âm nhạc không biên giới nhưng người nghệ sĩ sinh ra ở đâu thì tâm thế họ vẫn mãi hướng về cội nguồn.
- Anh lấy kinh phí từ đâu cho việc tổ chức đêm nhạc ở nước ngoài?
- Lần này chúng tôi tổ chức đêm nhạc ở Nhà hát Adyar dưới chân tòa tháp Eiffel - nhà hát đẹp và cổ kính của Pháp với khoảng 500 chỗ ngồi.
Chính vì không đặt nặng vấn đề thiệt hơn nên tôi sẵn sàng chịu rủi ro kinh tế để có cơ hội hát chung với những nghệ sĩ mình yêu thích và giới thiệu âm nhạc của mình đến bạn bè thế giới. Biết nguyện vọng của Tùng Dương nên Nguyên Lê và các nghệ sĩ nước ngoài đến với tinh thần giúp đỡ, thành ra tôi không phải bỏ ra số tiền quá lớn. Tất nhiên mức cát-xê không phải bạn bè kiểu Tấn Minh - Hà Trần giúp Đỗ Bảo hay Tùng Dương giúp Quốc Trung khi làm show. Toàn bộ lợi nhuận đêm diễn hy vọng đủ cho việc tổ chức show.
|
Tùng Dương đang yêu một phụ nữ xinh đẹp nhưng chưa lần nào công khai bạn gái.
|
- Anh từng tuyên bố năm Giáp Ngọ sẽ “đưa nàng về dinh”. Anh nghĩ sao nếu thiệt hại khi làm show ảnh hưởng tới chuyện trăm năm của mình?
- Mọi người yên bề gia thất hết rồi, Tùng Dương cũng phải có tổ ấm cho riêng mình chứ, rong chơi mãi sao được. Tuy nhiên đây mới là dự kiến. Tôi không ngại lấy hết tiền dành dụm để làm show vì cưới với Tùng Dương hai mâm cũng là cưới vợ. Ông trời ban cho người nghệ sĩ sự nhạy cảm. Tôi không có êkíp nghĩ đường đi nước bước như các ca sĩ phía Nam mà phải tự dọn đường cho chính bản thân. Dịp Tết trong khi mọi người nghỉ xả hơi thì tôi phải đau đầu tính kế hoạch năm. Người nghệ sĩ không thể sống bản năng, thích gì làm đó mà phải hoạt động khoa học. Các nghệ sĩ nước ngoài luôn rất đúng hẹn, không trì hoãn. Tôi học tập tinh thần từ họ. Tôi đang ở tuổi 30, nhiều sức vóc, bốn mươi bụng phệ, vợ con nheo nhóc thì khó mà làm được. Hy sinh cho nghệ thuật cũng là một sứ mệnh của người nghệ sĩ.
Người yêu Tùng Dương phải yêu sự nghiệp Tùng Dương, tiếng hát Tùng Dương, ủng hộ quyết định của Tùng Dương. Hiện tại tôi thấy mình may mắn vì cân bằng được chuyện riêng tư và sự nghiệp. Tôi được bay bổng làm nghệ thuật, không bị áp lực cơm áo gạo tiền nên không trở thành thợ hát.
Ngọc Trần thực hiện
ST. Âm nhạc Sao mai