Cho trẻ tiếp cận sớm với âm nhạc là rất cần thiết, không phải để thành ngay một Chopin hay Bethoven mà trước hết là để tâm hồn bé phong phú và thêm yêu cuộc sống.
* Bắt đầu từ trong bụng mẹ
Từ khi là bào thai, bé đã cảm nhận được giai điệu. Và những âm thanh truyền trực tiếp từ mẹ sang con bao giờ cũng hiệu quả nhất đối với trẻ. Vì thế, đừng ngại hát ru ngay từ khi bé trong bụng mẹ. Có thể bạn hát không hay, nhưng chắc chắn bé không đến nỗi khó tính như các nhạc trưởng cầm “đũa” chỉ huy đâu!
Điều quan trọng nhất mà bạn truyền được cho con chính là tình yêu đối với âm nhạc, tình mẫu tử âu yếm được thể hiện bởi âm thanh thiết tha tự đáy lòng người mẹ. Tâm hồn bé sẽ thêm phong phú, sau này bé sẽ tự mình khám phá được sự đồng cảm trong mỗi giai điệu mà bé nghe được.
Cho bé nghe nhạc từ trong bụng mẹ cũng là một lời khuyên thú vị. Âm nhạc của Mozart, Bethoven và Mendelssohn được coi là phù hợp với tâm trạng của thai nhi hơn cả. Tuy nhiên, bạn có thể cùng bé nghe đủ mọi loại nhạc mà bạn cảm thấy vui vẻ và dễ chịu. Bởi vì bạn sẽ truyền cho bé cảm giác thư thái đó. Đừng quá câu nệ về thể loại, như cho rằng chỉ có nhạc “bác học” mới làm bé trở nên thông minh hơn!
* Một số lưu ý khi chọn nhạc cho bé
Khi trẻ đang ăn: không nên nghe nhạc có tiết tấu mạnh, nhiều âm thanh của trống và bộ gõ. Loại nhạc hay sẽ gây hưng phấn, kích thích hoạt động, chạy nhảy, không có lợi cho tiêu hoá của bé.
Trước khi đi ngủ: không nên nghe nhạc giao hưởng. Một số người còn nhầm tưởng các loại nhạc không lời đều là giao hưởng và đều có tác dụng ru ngủ! Thực tế, để chơi nhạc giao hưởng cần một dàn nhạc lớn với nhiều loại nhạc cụ hoành tráng, lên bổng xuống trầm, âm vang. Trẻ em sẽ bị cuốn hút, gây xao động tâm trí và mất cảm giác buồn ngủ. Sử dụng loại nhạc độc tấu, nhẹ nhàng, êm dịu sẽ dễ dàng đưa bé vào giấc ngủ.
Định hướng cho con
Tạo điều kiện để con trẻ tiếp xúc với âm nhạc, học chơi một loại nhạc cụ nào đó nghĩa là bạn đã cho con có thêm cơ hội để có một nền học vấn toàn diện, không chỉ về khoa học mà còn về nghệ thuật, cái đẹp. Tâm hồn trẻ vì thế sẽ thêm phong phú, đằm thắm và sâu sắc. Đó mới chính là mục đích học nhạc của trẻ, chứ không phải vì để nổi tiếng hay mang lại danh tiếng cho bố mẹ.
Khi mới bắt đầu, hãy cho con tiếp xúc dần dần, không nóng vội, không bắt ép trẻ. Hãy đưa nhạc cụ vào lúc trẻ thoải mái, đang vui đùa hay ca hát, nhảy nhót. Trong quá trình “làm quen” này, có thể thay đổi nhiều loại nhạc cụ để thấy rõ xu hướng của trẻ.
Nếu bé tính tình sôi nổi, hoạt bát thì thử cho bé tiếp xúc trước với các nhạc cụ hiện đại: trống, organ… Nếu bé kín đáo, hay mơ mộng, trầm ngâm thì thử với nhạc cụ cổ điển (violon, piano…) hoặc nhạc cụ dân tộc (sáo, đàn bầu, nhị…). Sưu tầm các đĩa nhạc và các DVD để bé nghe và thấy các nhạc công chơi nhạc.
Sau khi trẻ cảm thấy tò mò, muốn sử dụng, hãy để trẻ tham quan một lớp học loại nhạc cụ đó, hoặc đi xem trực tiếp các bạn khác biểu diễn. Đến khi bé tham gia lớp học, không nên học quá nhiều, chỉ khoảng 1 - 2 buổi một tuần. Nếu một đứa trẻ không thích học mà bị bắt ép sẽ nảy sinh “tác dụng” ngược.
Một điều đáng chú ý nữa là khi sắm nhạc cụ cho trẻ, không nên chọn loại quá rẻ tiền. Bởi chúng sẽ làm “hỏng” đôi tai thẩm âm của trẻ và sẽ không có lợi nếu trẻ muốn tiếp tục học nhạc chuyên sâu.
Nhờ ảnh hưởng của âm nhạc, trẻ sẽ lớn lên nhạy cảm, nhân hậu và có lý tưởng. Các bậc cha mẹ nên coi âm nhạc trước hết là một liều thuốc giải toả căng thẳng, giúp bé thư giãn, làm cho cuộc sống của bé thú vị hơn. Không nên vì một chút hư danh hãnh tiến mà khiến con phải khổ sở với những thứ không phải sở trường của mình.