Vì được cưng chiều đến thế nên đến đêm tân hôn của anh Hiến (anh trai tôi) và chị Bích Tuyên, tôi đã khóc nằng nặc đòi vào ngủ chung.
Tôi tuổi con Ngựa, có lẽ vì thế mà thời bé tí ti, đêm nào tôi cũng khóc đòi ba bế đi chơi. Hàng phố lúc đó đã quen với hình ảnh người đàn ông đêm đêm bế con gái đi dọc phố Huế ra tới chợ Hôm. Chỉ đến khi nào cô bé ngủ say trên vai thì hai bố con mới quay về.
Ái Vân (phải) bên hai nguời anh lớn Hà Quang Hiến và Hà Quang Sơn tại Hà Nội.
Chiếc giường tôi ngủ trong nhà khá điệu đà, đó là tấm phản có song sắt kiểu cổ của Pháp. Những giấc ngủ của tôi đến chầm chậm và khoan khoái với sự cưng nựng bằng cách xoa và gãi lưng của cụ ngoại, với cái mát hiu hiu từ chiếc quạt máy hiệu Morelli. Khi cụ ngoại mất, bà ngoại và các anh lại xoa lưng và kể chuyện cổ tích cho tôi nghe. Vì được cưng chiều đến thế nên đến đêm tân hôn của anh Hiến (anh trai cả của tôi) và chị Bích Tuyên, tôi đã khóc nằng nặc đòi vào ngủ chung. Đôi tân lang, tân nương vì thương em nên cũng đành đồng ý. Đến sáng hôm sau, khi thức dậy, tôi ngạc nhiên vô cùng vì thấy thay vì nằm trên giường như lúc đi ngủ, thì mình lại nằm… chèo queo ở dưới sàn nhà. Sau mấy đêm liền phá quấy tuần trăng mật của anh chị như vậy, cuối cùng tôi cũng phải trật tự quay về đúng chỗ của mình.
|
Ái Vân trong phim "Chị Nhung". |
Vài năm sau, sự việc lại tái diễn nhưng nạn nhân là cô dâu Ngọc Quyên và chú rể Hà Quang Sơn. Và kẻ phá bĩnh lần này là Ái Xuân. Xuân cũng khóc đòi anh chị cho nằm giữa, đòi gãi lưng và nghe chuyện cổ tích ...Rồi vì ngủ say quá, nhóc con đã tặng luôn anh chị "món quà ướt" thật đáng nhớ. Báo hại cô dâu mới về sáng sớm phải khệ nệ vác cả chăn lẫn chiếu đi giặt...
Hồi nhỏ, tôi rất lười ăn, người gầy nhẳng, bị anh chị trong nhà gán cho mọi biệt danh: nào là chiếc mắc áo di động, nào là hình nhân thế mạng, nào là cò hương, và đặc biệt là Vân "sún". Tôi sún răng bởi ăn rất chậm, chậm đến mức ăn một miếng cơm rồi ngậm đi ngủ, đến khi ngủ dậy, vẫn thấy miếng cơm ở trong miệng như cũ. Ba má bữa nào cũng dỗ dành nếu ăn hết bát cơm thì sẽ cho sang Đoàn xem tập tuồng. Vậy là hàng ngày tôi qua bên Đoàn cải lương Nam bộ, số 23 Ngô Thì Nhậm, bây giờ là Nhà hát Tuổi Trẻ, để xem má và các cô chú diễn tập tuồng cải lương.
Đoàn cải lương Nam bộ phần lớn nghệ sĩ là người Nam tập kết ra Bắc. Má tôi có gốc Bà Rịa - Vũng Tàu, trước năm 1954 má cũng đã hát nhạc Tây, tiếng ta bằng giọng Nam Bộ và thường xuyên lưu diễn các tỉnh phía Nam nên Má nói giọng Nam Bộ rất chuẩn và hát cải lương thật mùi. Chính vì có sự gắn bó thân thiết với nghệ thuật và con người Nam bộ nên cách xưng hô trong gia đình của tôi cũng khác với tất cả những gia đình Hà Nội khác: thay vì gọi Bố - Mẹ, chúng tôi gọi là Ba - Má. Ăn cơm cũng không mời chào khắp lượt mà giản tiện hơn theo cách của người Nam. Gia đình tôi cũng có thêm “những yếu tố Nam bộ”: chị Ái Mai lấy chồng và anh Quang Văn lấy vợ là người Nam. Còn tôi thì cũng sém chút nữa trở thành dâu con của Nam bộ qua mối tình với L., con trai một vị luật sư nổi tiếng của Sài Gòn thời đó...
|
Ái Vân (phải) và bạn bè trên đường phố Sài Gòn năm 1975. Ảnh tư liệu. |
Trong trích ngang lý lịch, gia đình tôi thuộc thành phần tiểu tư sản. Dù tiểu tư sản thì “nhẹ” hơn so với tư sản, nhưng lại không thuộc thành phần chính lúc đó là công - nông - binh. Chính vì thế, sau giải phóng, cuộc đời ba tôi đột ngột thay đổi. Đang là hình ảnh ông bầu của rạp hát lẫy lừng, người quản lý cho nghệ sĩ nổi tiếng Ái Liên, đang là người đàn ông trụ cột gia đình, đang rất phong lưu, hào hoa và hoạt bát vui vẻ, bỗng dưng ba tôi mất trắng, không còn gì cả.
Trong bối cảnh đất nước vừa giành lại độc lập còn bộn bề rất nhiều việc, thì một nghề làm ông bầu rạp hát hay quản lý nghệ sĩ như ba tôi trở thành lạ lẫm và xa xỉ. Nghề của ba tôi không tìm được đất sống nữa, ông trở thành người thất nghiệp.
Vai trò gánh vác gia đình trong gia đình tôi bỗng nhiên thay đổi. Trước đây, má tôi chỉ biết quanh quẩn bên con cái và trình diễn trên sân khấu thì đến giờ,má còn tất bật với những công việc ngoài xã hội như họp Hội phụ nữ, Hội nghệ sĩ sân khấu, Hội đồng nhân dân... Trong khi má tất bật bên ngoài thì ngược lại, ba tôi ở nhà thay vợ nấu ăn, chăm sóc dạy dỗ con cái. Với những hoạt động trên sân khấu và ngoài xã hội liên miên như thế, cùng với việc có bầu sinh con liên tiếp nên sức khoẻ má tôi giảm sút nghiêm trọng. Nhưng chúng tôi thì vô lo vô nghĩ, chỉ thấy lúc nào cũng thèm có má.
Khi đó tôi khoảng 4-5 tuổi và Ái Xuân chừng 1-2 tuổi, chúng tôi thường ngủ với bà ngoại nên chị em tôi được nhìn thấy má nhiều nhất là trong các vở tập tuồng cải lương trên sân khấu của Đoàn. Thỉnh thoảng, má đi diễn về sớm, tôi và Ái Xuân được dịp tranh giành nằm cạnh má. Thích nhất là vào những đêm mùa đông rét buốt, gió thổi ù ù chạy trên mái nhà, hai tay của tôi kẹp chặt vào nách, hai chân ríu vào giữa đùi má, tận hưởng cảm giác ấm sực. Da dẻ của má tôi trắng trẻo, mịn màng và thơm tho vô cùng. Tôi cứ rúc vào cổ má hít hà tới mức má phải kêu lên: “Con bé này, tay chân gì mà lạnh như ma thế!”. Rồi má hát, thường nghe nhất là bài “Ru con”: Gió mùa thu, mẹ ru con ngủ. Năm canh chày, giấc ngủ vừa năm…
Đinh Thu Hiền chấp bút
Theo vnexpress