Giờ lên lớp, bao giờ cũng thế, thầy Quý Dương thường ít khi sử dụng đàn, có chăng ông chỉ lấy âm chủ (thanh mẫu) rồi sau đó cứ căng mình ra luyện thanh cùng trò, có khi suốt 4 giờ mà ông vẫn chẳng ngừng nghỉ.
Niềm đam mê theo suốt cuộc đời
Học cố NSND Quý Dương 7 năm, cả hệ trung cấp và đại học – Học viện Âm nhạc Hà Nội, là học trò xuất sắc tốt nghiệp thủ khoa thanh nhạc năm 2006, ca sĩ Tiến Lợi – giải nhì Sao Mai 2005 coi đó là điều may mắn lớn nhất trong cuộc đời mình. Và mỗi khi gặp khó khăn trong nghề cũng như trong cuộc sống anh hay đặt câu hỏi: Vấn đề này, thầy giải quyết thế nào đây?
Năm Tiến Lợi vào học tại Nhạc viện cũng là năm NSND Quý Dương trở về Nhạc viện để tiếp tục việc dạy học, sau thời gian ông nghỉ giám đốc Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam – công việc mà ông cho là phù hợp khi tuổi cao và sức khỏe giảm sút do bệnh suy thận bám riết lấy ông cả chục năm qua. Ông đã nhờ nhà giáo ưu tú Diệu Thúy – Chủ nhiệm Khoa Thanh nhạc của Nhạc viện lúc bấy giờ tổ chức một buổi tuyển trực tiếp cho lớp thanh nhạc đầu tiên để ông chủ nhiệm. Tiến Lợi là một trong 4 học trò được ông tuyển chọn.
Ca sĩ Tiến Lợi bên cố NSND Quý Dương.
Ngày còn ở nhà (Nam Thanh, Nam Trực, Nam Định), Tiến Lợi đã từng nghe NSND Quý Dương hát bài “Tấm áo mẹ vá năm xưa” qua làn sóng Đài tiếng nói Việt Nam và rất hâm mộ giọng hát nổi tiếng của ông. Chính sự nổi tiếng của thầy mà Tiến Lợi lo ngại, e dè vì tưởng tượng: chắc hẳn nhìn thầy lạnh lùng, khó gần! Nhưng, buổi học đầu tiên, thầy Quý Dương bước vào phòng luyện thanh với gương mặt phúc hậu cùng nụ cười gần gũi. Đưa ánh mắt nhìn ấm áp, NSND Quý Dương bắt đầu bài học mới bằng lời chia sẻ: “Bác đã đi trên con đường mà các cháu đang đi. Nghiệp nghệ sĩ chẳng thể thành nếu như chúng ta không có niềm đam mê để vượt qua chông gai không chỉ trong một ngày mà trong cả cuộc đời”.
Giờ lên lớp, bao giờ cũng thế, thầy Quý Dương thường ít khi sử dụng đàn, có chăng ông chỉ lấy âm chủ (thanh mẫu) rồi sau đó cứ căng mình ra luyện thanh cùng trò, có khi suốt 4 giờ mà ông vẫn chẳng ngừng nghỉ. Thương thầy, trò Lợi đánh liều hỏi: “Sao thầy không dùng đàn?”. “Biết là thế nhưng bác vẫn muốn cùng hát, cùng làm để các cháu nghe và hiểu” – Hướng đôi mắt ấm áp về phía các trò, NSND Quý Dương nói.
Thầy vẫn dạy dù đang mang trọng bệnh
NSND Quý Dương giải thích thêm cho các trò: Lúc chiến tranh bác tham gia các lớp nghệ thuật quần chúng mà diễn viên chính là bộ đội, lớp học là chiến trường B, C. Các lớp ấy lấy tiếng hát át tiếng bom, học chay chứ làm gì có đàn, hay nhạc đệm từ cat set. Dạy nhiều thì thành thói quen, giờ khó bỏ! Thầy nói là vậy nhưng cậu học trò này lại có cách giải thích của riêng mình. Rõ ràng, thầy đang dốc sức vì thương những học trò dấn thân vào dòng nhạc truyền thống theo niềm đam mê chứ chẳng thể mong có nhiều tiền bạc. Phải chăng, thầy muốn thổi bùng khát vọng âm nhạc của chúng để chúng theo nghề vì khát vọng chứ không phải vì tiền bạc. Nhưng, buổi luyện thanh suốt từ 2h đến 6h tối khiến mái tóc thầy như bạc hơn, nước da thầy xạm lại. Chẳng phải là thầy đang mang trọng bệnh: suy thận đó sao? Tuần nào thầy chẳng phải đi lọc máu ở bệnh viện. Vậy mà … Nước mắt cậu học trò ngân ngấn khi nhận ra giữa bể khổ ấy, tiếng hát của thầy vẫn thắm vẫn xanh.
Cuộc thi Sao Mai 2005, Tiến Lợi được đặc cách vào vòng chung khảo khu vực miền Bắc vì năm trước anh được giải 3 cuộc thi Giọng hát hay Hà Nội và Tiếng hát truyền hình Hà Nội. Năm ấy Tiến Lợi đang học năm thứ 2 hệ đại học và thầy Quý Dương vẫn dìu dắt. Đem niềm vui ấy hỏi thầy, ông chẳng hào hứng mà chỉ nói: Thích thì cứ thi, hát bài nào thì tự chọn. Tiến Lợi đã phần nào hụt hẫng, đã phần nào trách thầy. Nhưng rõ ràng từ hôm ấy thầy luyện thanh cho cậu kỹ hơn và liên tục đòi hỏi những kỹ thuật khó. Không dám hỏi trực tiếp, thi thoảng Tiến Lợi lại hát thử một bài mà cậu định chọn để đi thi Sao Mai cho thầy nghe. Thầy nghe kỹ và chỉnh từng li từng tí. Sau mỗi bài học, thầy luôn nói: Hát thế nào để âm thanh đẹp và quyến rũ. Đạt được điều đó thì biển dẫu lớn cũng chẳng thể nhấn chìm! Quả như thế, năm ấy Tiến Lợi đạt giải nhì dòng nhạc thính phòng. Mang niềm vui lớn, cậu học trò nghĩ ngay đến người thầy của mình. Dẫu vậy, tất cả chỉ là ý nghĩ vì cậu biết chẳng riêng gì cậu mà với bất cứ học trò nào dù có thành công đến bao nhiêu đi chăng nữa thì thầy Quý Dương cũng chẳng bao giờ bận tâm. Ông là như thế, dốc sức dạy dỗ học trò để rồi thả chúng ra giữa cuộc đời!
Giữa nhà giàn DK1 - Trường Sa trùng khơi, tay cầm chiếc loa pin ca sĩ Tiến Lợi hát thi cùng với gió mà lòng không nguôi nhớ về cố NSND Quý Dương.
Là người của công chúng sau giải Sao Mai, Tiến Lợi bận rộn với những show diễn đến nỗi có lần bỏ cả buổi luyện thanh với thầy Quý Dương. Ngày hôm sau đến lớp, thầy Quý Dương nhìn cậu học trò của mình qua cặp kính trắng. Ông nghiêm nghị: Cậu bận đến nỗi không nhấc nổi điện thoại để gọi cho tôi? Tôi muốn nhắc cậu điều này: Việc học là cái gốc của mọi sự thành công! Bao mơ mộng trong chuỗi ngày qua dường như tan biến. Cậu học trò non nớt với những trải nghiệm cuộc sống ấy hiểu ra rằng: Ngày mỗi ngày thầy chẳng khi nào dời măt và chăm chút cho cậu. Sau chuyện ấy, Tiến Lợi nộp đơn thi tuyển vào Đoàn Ca múa nhạc Công an nhân dân và nhận ngay nhiệm vụ: xung kích về các bản làng Tây Nguyên biểu diễn. Dù hay tin nhưng thầy Quý Dương vẫn lặng im. Chỉ đến khi cậu học trò trở về với bụi bặm, mệt nhọc sau một tháng lăn lộn nay bản làng này mai bản làng khác để hát để cùng sẻ chia củ khoai, củ sắn với bà con sống ở Gia Lai, Dak lak, Kontum … thì ông chào đón bằng nụ cười trân trọng: “Làm nghệ sĩ đã khổ mà lai còn là nghệ sĩ công an khổ gấp trăm lần. Nhưng, trong cay đắng thì mới hái được quả ngọt!”
Vào những ngày tháng 4 năm 2011, giữa nhà giàn DK1 - Trường Sa trùng khơi, tay cầm chiếc loa pin Tiến Lợi hát thi cùng với gió. Những chiến sĩ hải quân sạm da vì nắng gió đón lấy từng lời hát yêu thương của ca sĩ Sao Mai - Tiến Lợi với: “Chút thơ tình người lính biển”, “Nơi đảo xa”, “Gần lắm Trường Sa”, “Đất nước” … Chộn rộn bao cảm xúc trước cảnh đẹp của biển, trước những câu chuyện hy sinh của các chiến sĩ hải quân, không hiểu sao Tiến Lợi nhớ thầy Quý Dương da diết. Đây cũng là lần đầu tiên của một chuyến đi công tác giữa muôn trùng sóng gió. Người học trò năm xưa trở về từ chuyến đi này nhưng anh không thể gặp thầy, kể cho thầy nghe biết bao chuyện để chỉ cần được nhìn thấy thầy cười là hạnh phúc…
Thầy Quý Dương đã đi xa! Cậu học trò đã về quá muộn. Anh chỉ có thể gặp lại thầy qua ký ức. Gần nhất là cái ngày Tết cuối cùng của năm 2011 ... Thầy yếu nhiều khi đôi chân run run. Nước da, đôi mắt, mái tóc … của ông, tất cả đều mỏi mệt. Nhưng, thầy vẫn hướng ánh nhìn chan chứa yêu thương vào cậu học trò cưng mà hỏi han: làm việc thế nào, có còn đi Tây Nguyên không, có còn phải thuê nhà nữa không, sống có vất vả không? Hỏi xong, ông bảo: “Bác rất kỳ vọng về cháu - trong số những học trò mà bác đã từng dạy. Nhưng bác cần ở cháu một bước đột phá trong giọng hát của mình!”. Dặn dò thế đấy để rồi ông luyện thanh cho học trò. Đấy là thói quen mà dịp nào Tiến Lợi đến nhà ông cũng “lôi” cậu học trò vào những bài học năm xưa. Tết này thương thầy yếu, Tiến Lợi lưỡng lự. Ông cười yếu ớt mà vẫn cất giọng. Thế là, ngày xuân, hai thầy trò cùng cất cao tiếng hát tưởng như thời gian ngừng trôi, bệnh tật bị xua tan và thầy mãi mãi ở lại …
Miên Thảo
Theo báo Người Hà Nội
|